Có cần thiết phải kiêng kỵ trong tháng cô hồn hay không?

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, việc kiêng kỵ tháng cô hồn là truyền miệng trong dân gian, không có cơ sở khoa học.

Tháng 7 âm lịch được người dân gọi là tháng cô hồn hay tháng xá tội vong nhân. Để hiểu đúng hơn về ngày này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ.

Nhà nghiên cứu nguyễn hùng vĩ

Ảnh: Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ

Ông Vĩ chia sẻ, người Việt thường cho rằng, con người khi sinh ra bao gồm hai phần là phần hồn và phần xác.

Khi chết đi, phần hồn vẫn còn tồn tại. Người nào khi sống ăn ở hiền lương, tích đức thì được đầu thai thành kiếp khác, ngược lại người nào tạo nên nhiều nghiệp (làm việc ác) thì bị đày xuống địa ngục làm quỷ đói và chịu nhiều hình thức tra tấn.

Trong truyền thuyết dân gian, từ mùng 2/7 âm lịch Diêm Vương ra lệnh mở Quỷ Môn Quan để ma quỷ tự do đi theo bốn hướng, thường là trở về tìm gặp bạn bè, gia đình mong được giúp đỡ để sớm siêu thoát. Đến 12 giờ đêm ngày 14/7 cánh cửa sẽ được đóng lại, các linh hồn đó phải quay về địa ngục.

Do vậy, vào những ngày này, đặc biệt chiều tối 14/7 người dân sẽ chuẩn bị các nghi lễ cúng cô hồn, khao lao chúng sinh để các hồn ma không quấy phá gia đình mình. Đồng thời cứu giúp những linh hồn khốn khổ, vất vưởng, lang thang đó.

Mâm cúng cô hồn

Ảnh: Một mâm cúng cô hồn (ảnh: quanambotap.net)

Trong lễ cúng có đồ cúng, bài cúng cô hồn và cả phần lễ hóa vàng để cúng cho những hồn ma quỷ, xua đuổi vận hạn và cầu được bình an.

Sau khi cúng xong, sẽ có tục “cướp” cô hồn (tức người sống giành giật những đồ cúng trên mâm – nv). Họ tin rằng nếu người sống mà giành giật càng đông, lộc nhà mình sẽ càng nhiều.

Bên cạnh đó, trong tháng 7 âm lịch, người dân thường cho rằng phải kiêng làm những việc đại sự như cưới hỏi, xây nhà, mua xe và không treo chuông gió, không đi đêm, không thức khuya …

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Hùng Vĩ nhấn mạnh: “Việc kiêng kỵ tháng cô hồn là truyền miệng trong dân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác, không có cơ sở khoa học, không nhất thiết phải kiêng.

Thay vì sa đà vào các hủ tục mê tín dị đoan, người dân nên coi như đây là dịp cúng bái tưởng nhớ đến tổ tiên, tích cực làm việc thiện chứ không nên hoang phí đốt vàng mã, bày biện mâm cao cỗ đầy”.

Ông Hùng Vĩ khẳng định, việc kiêng như vậy, không phù hợp với cuộc sống. Ví dụ: Nhiều người cho rằng không nên phẫu thuật chữa bệnh vào tháng cô hồn. Nhưng vào tháng này, ở các bệnh viện vẫn diễn ra rất nhiều ca phẫu thuật lớn nhỏ khác nhau cứu sống người bệnh.

Theo nhà nghiên cứu này, mâm cỗ cúng cô hồn thường có: 1 đĩa muối, gạo, cháo trắng loãng, giấy áo, giấy tiền, mía, bánh kẹo tiền mặt (tiền thật), trái cây 5 màu, khoai lang lục, 3 ly nước, 3 cây nhang và 2 ngọn nến.

Ông cho biết, sở dĩ không thể thiếu cháo loãng vì dân gian quan niệm rằng, những linh hồn bị đày đọa phải mang một thực quản nhỏ hẹp nên không thể nuốt được thức ăn thông thường. Muối và gạo sau khi cúng xong phải rải xuống đường mang ý nghĩa tiễn cô hồn đi.

Một nghi thức cúng cô hồn từ xưa truyền lại bao gồm:

– Muối gạo (1 dĩa).

– Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ), hay là cơm vắt: 3 vắt.

– 12 cục đường thẻ.

– Bắp rang, khoai lang, ngô, sắn luộc…

– Mía (để nguyên vỏ và chặt từng khúc nhỏ độ 15 cm).

– Bánh, kẹo, tiền mặt (tiền thật, các loại mệnh giá).

– Nước: 3 ly nhỏ, 3 cây nhang, 2 ngọn nến nhỏ.

Nguồn: dantri.com.vn

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status