Chữ Nhẫn – Ý nghĩa của chữ Nhẫn trong cuộc sống hàng ngày

Đánh giá bài viết

Từ những kinh nghiệm xương máu của thực tế cuộc sống mà người Hán đã sáng tạo ra cách viết chữ nhẫn: chữ đao(con dao) ở trên và chữ tâm (con tim) ở dưới. Lưỡi dao ấy ở ngay trên tâm, và nếu như gặp chuyện mà không biết nhẫn nhịn thì tránh sao khỏi đau đớn, có nhẫn nhịn mới chuyển nguy thành yên, bại thành thắng, dữ thành lành…

Chu nhan trong phat giao

 

“Trong một trăm nết tốt

Chữ nhẫn đứng hàng đầu…

Người mà chưa biết nhẫn

Chưa phải là người hay”

Làm việc gì cũng phải có “tâm”. Khi có “tâm” rồi, lại phải biết giữ “tâm” không để vọng động, ảnh hưởng tới sự sáng suốt của lý trí. Vì vậy bộ “đao” ở trên bộ “tâm”, giữ không cho “tâm” vọng động.

Nó không hề mang ý nghĩa “nhịn nhục” mù quáng như nhiều người hiểu nhầm. Sự “kiên trì” đòi hỏi phải có lý trí, chứ nếu không cái “tâm” khiến ta sốt ruột, nóng vội…

“Có khi Nhẫn để yêu thương
Có khi Nhẫn để liệu đường lo toan
Có khi Nhẫn để vẹn toàn
Có khi Nhẫn để chớ tàn hại nhau”

Trong kinh điển, người biết nhẫn nhục, chính là người mạnh nhất. Còn theo thánh Gandhi: Nhẫn nhục ví như không khí, chẳng biết chống trả, nhưng có khả năng vô hiệu hóa những quả đấm của kẻ bạo tàn!
Vì thế mà người xưa đã tốn rất nhiều giấy mực để viết về nó, đã răn dạy rất nhiều những lợi ích và tác hại xung quanh chữ nhẫn này , ngày nay thì sao?

Nhẫn, không phải là sự cam chịu !

Đúng vậy, chẳng phải ngẫu nhiên mà chữ nhẫn lại có bộ đao phía trên như biểu hiện của những nỗi thống khổ sâu sắc như dao nhọn, chúng có thể khía vào trong tâm trí, trong con tim ta, làm cho ta đau đớn, tủi nhục và khó chịu.

Nhẫn đi cuộc sống tươi xanh

Sân si thù hận, năm canh thở dài

Nhẫn đi tức giận mới tài

Cũng là chiến thắng, tâm ta hơn người.

Nhẫn đi sẽ thấy nụ cười

Tâm tư thư thái, con người sẽ vui

Nhẫn đi cái ác đẩy lùi

Chúng sanh bình đẳng, cùng vui an lành

Nhưng, nhẫn, đừng nên hiểu một cách tiêu cực, là phải gồng mình cam chịu ôm nhục, là luồn cúi để đạt được mục đích. Nếu có chuyện không hay, hãy dùng trí tuệ để thấy đúng lẽ thật, buông xả mọi hơn thua với người ta và không cố chấp phiền hận.
Người “chửi” mình, nếu đúng thì nhận, nếu không phải thì xả bỏ. Chứ nếu nhớ mãi suốt đời, thì tự mình chuốc lấy cái khổ cho mình và còn làm cho người khác khổ lây.

Nhẫn đi, cuộc sống mới bình yên

Tranh cãi nhau chi, tự chuốc phiền

Bình tâm an lạc, vui vẻ sống

Thế sự cuộc đời…hãy thản nhiên.

Nhẫn đi, sẽ thấy được bình an

Ai thời tranh đoạt, ta chẳng màng

Ganh nhau được gì, trong lời nói

Nóng giận sân nhau…cảnh tương tàn.

Nhẫn đi, cuộc sống mới an bình

Đúng sai thật giả, chuyện nhân sinh

Tự thân quán chiếu, đời đen trắng

Bản ngã không còn…mới anh minh.

Nhẫn đi, nào phải ta thấp hèn

Nhẫn là đức tính, chẳng bon chen

Cuộc sống ganh đua, được và mất

Nóng giận sân đời…có ai khen.

Nhẫn đi, sẽ tránh được lỗi lầm

Tức thời nóng giận, tâm sân tâm

Lửa lòng thiêu rụi, rừng công đức

Sân hận nhau chi…để bước lầm.

Nhẫn đi, tất cả sẽ bình yên

Lấy đức phục sinh, đạo thánh hiền

Nhân tâm lẽ sống, cần nên có

Cuộc đời nên lấy…nhẫn đi tiên.

Thơ: Nhẫn đi – Tác giả: Ngạo Thiên

Tóm lại, chữ nhẫn ngoài sự chịu đựng điềm tĩnh còn cần phải có sự tha thứ. Nhẫn là độ lượng, khoan dung, nhận đúng bản chất mà kiên tâm nhẫn nại… Nhẫn, chính là thể hiện bản lĩnh của con người.
Khổng Tử xưa đã nói: “Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu” (Việc nhỏ mà không nhẫn được, thì việc lớn ắt sẽ hỏng).
Nhiều gia đình thường treo chữ nhẫn trong nhà, như tự răn mình để giữ được hòa khí trong gia đình. Ôi chao, nhịn đi có một sự, đổi lại được những chín điều lành cơ mà.

Nhẫn đi nhân phẩm toả ra

Nhẫn đi đạo đức vang xa rạng ngời

Nhẫn đi sẽ thấy mặt trời

Nhẫn đi sẽ tránh những lời đau thương

Nhẫn đi thoát hoạ tai ương

Nhẫn đi sẽ thấy con đường dễ đi

Nhẫn đi để tránh chia ly

Nhẫn đi sẽ thấy từ bi cõi lòng

Vậy nên, anh em có tranh nhau tí đất đai, vợ chồng có nổi cơn tam bành, ta có “hận” sếp, có xích mích gì với hàng xóm, có bị ai “đì” đi nữa, thôi thì nhẫn đi.
Con tim nhức nhối lắm, khi thấy mình phải chịu đựng thua thiệt, phải kém chị kém em, thành ra hậm hực, tức tối nổ con ngươi con mắt chỉ vì những thứ nhỏ nhặt.
Người ta có cái ví đầm hàng hiệu xịn hơn, thế là phải đua đòi chẳng kém cạnh gì, kẻo mang tiếng “quê”! Hoặc người ta xe nọ xe kia, nếu mình không có, thì đau buồn mà bi luỵ trách móc số sao mãi chả giàu để được làm… đại gia.
Thuở phong kiến, chồng có là nông dân thì vợ cũng phải hầu như hầu ông chủ; thời này, chồng mà lười biếng, lại mắc tính loăng quăng bồ bịch, cờ bạc thì dè chừng! Vợ mà đỏng đảnh, hay “không biết đẻ”, hay nọ kia, lơ mơ là ông quăng quần áo ra ngoài đường.
Cho nên, kết hôn cũng nhanh, mà chia tay, ly dị cũng quá lẹ. Chẳng có vấn đề gì phải kéo dài những mấy chục năm. Thời này, chữ nhẫn là chữ gì mà đòi hỏi phải mất thời gian đến vậy?

cách viết Chữ nhẫn tiếng hán

Cách viết chữ nhẫn trong tiếng hán

Nhẫn, cũng không phải là nhục một cách hèn nhát :

Thời xưa, vua Câu Tiễn nằm gai nếm mật, nuốt mọi tủi nhục chỉ để chờ thời cơ làm nên chuyện lớn. Như vậy, cái chữ nhẫn nhục trở thành động cơ sống, thành quái chiêu của một số người nhằm đạt đến mục tiêu cần thiết của họ.
Ngược lại, chữ nhẫn như trái tim bồ tát của Quan Âm Thị Kính khi bị “vu oan” mọi bề, lay động thân tâm của con người, đó là:
“Chữ rằng nhẫn nhục nhiệm hòa/ Nhẫn điều khó nhẫn mới là chân tu…”
Nhẫn ngày nay, nhiều khi đã thành nhẫn nhục một cách hèn nhát. Nhẫn quá, thành ra… nhục. Nó là điều sỉ nhục, làm xấu hổ, tổn thương đến lòng tự ái của mình.
Nhục, bởi vì sợ quyền thế, nhục vì đang nằm trong hoàn cảnh bất lợi chưa thể trả thù được, nhục để mong cầu có người khen, hay được chức trọng, quyền cao, nhẫn nhục vì khinh bỉ đối thủ, hay tự cho mình cao hơn người, không thèm chấp nê, phản đối.
Hiểu sai chữ nhẫn nhất là khi ghép chữ nhẫn với chữ tâm, để trở thành nhẫn tâm, ác độc. Cũng như hiểu chữ nhẫn với thói quen chịu đựng đến mức hèn yếu, bạc nhược hết ngày này, qua tháng khác, và cơ đồ sự nghiệp, thành quả chẳng thấy đâu, chỉ thấy con người ngày càng èo uột đi, thảm hại, nhưng họ vẫn tự ru mình là ta đang… nhẫn một cách chính đáng.
Nhẫn nhục một cách hèn nhát, là mềm yếu, cam chịu vô ích, rồi tự mình chìm trong cái cõi mịt mờ của mình, sẽ thành kẻ chui sâu vào vỏ ốc, và điều này sẽ làm suy thoái xã hội, đạo đức con người, làm cho cái ác, cái tham, cái xấu có mầm mống và nguy cơ phát triển.

Nhưng nếu không biết nhẫn, bạn sẽ có một khuôn mặt… xấu xí:

Nếu bạn không biết giữ được cho mình một chữ nhẫn, lúc nào đầu óc bạn cũng căng ra, như một chảo lửa, bạn có thể phản ứng ngay tức khắc các vấn đề vừa xảy ra một cách nông nổi, thiếu suy nghĩ…
Gặp chuyện khó chịu, không may, tức khắc lửa giận nổi lên, nếu nhẹ thì chỉ bộc lộ ra sắc mặt, hành động nóng nảy, nhưng nặng và đáng sợ hơn nữa, đó là để chất chứa trong lòng.
Bạn biết không, những cơn nóng giận ấy khiến cho khuôn mặt con người bỗng chẳng dễ coi chút nào và trở nên rất xấu. Đôi khi, chẳng những chúng ta không giải quyết được việc gì, mà còn tự tạo thêm những hành động nông nổi, gây thêm bực bội đúng như các cụ đã nói: “Tâm oán giận, mạnh hơn lửa dữ”.
Thật vậy, chỉ một phút nổi nóng, không tự kìm chế được mình mà không dằn được cơn tức giận, nghĩa vợ chồng phải phân rẽ, bạn bè trở thành kẻ oán thù, và mâu thuẫn dẫn đến xung đột (đánh đập vợ con đến tàn tật, vợ giết chồng, con giết cha, đốt phá nhà cửa, tự hủy hoại thân thể mình…)

Chữ nhẫn, giống như vàng :

Kiến thức tiếng Trung luôn là vô tận.Bạn hãy đọc kỹ những câu răn về chữ nhẫn, bạn sẽ thấy, muôn màu cuộc sống bày ra trong sức mạnh của chữ nhẫn. Chữ nhẫn ẩn chứa những phương kế sống của một đời người.
“… Có khi nhẫn để xoay vần

Thiên thời, địa lợi, nhân tâm hiệp hòa

Có khi nhẫn để vị tha

Có khi nhẫn để thêm ta, bớt thù

Có khi nhẫn: tỉnh giả ngu

Hơn hơn, thiệt thiệt đường tu khó lường

Có khi nhẫn để vô thường

Không không, sắc sắc đoạn trường trần ai

Có khi nhẫn để lắng tai

Khôn khôn, dại dại nào ai tránh vòng

Có khi nhẫn để bao dung

Ta vui người cũng vui cùng có khi

Có khi nhẫn để tăng uy

Có khi nhẫn để kiên trì bền gan…”

Việc lấy đức nhẫn làm sức mạnh (dĩ nhẫn vi lực) cho thấy lợi ích cũng như quyền năng biến hóa, nội lực mạnh mẽ của chữ nhẫn.
Trong cuốn “Luận về chữ nhẫn” của Mạnh Chiêu Quân có viết: “Bạn chớ nên cáu gắt, cáu gắt sẽ làm tổn thương hòa khí; Bạn chớ nên tức giận, tức giận sẽ làm hủy hoại nguyên khí; Bạn chớ nên đùa giỡn, đùa giỡn sẽ làm hỏng tài khí; Bạn phải nhẫn nhịn, nhẫn nhịn sẽ được thần khí”…

Xem thêm: >> Ý nghĩa chữ nhẫn trong phật giáo

Những tấm gương có tâm Đại Nhẫn nổi tiếng (Nguồn: dkn.tv)

1. Tư Mã Ý

Trong thời “Tam quốc” Tư Mã Ý được mệnh danh là “ông vua nhẫn nhịn”. Tư Mã Ý là trọng thần phò tá bốn đời quân vương nhà Tào Ngụy, thời trẻ sớm đã bị Tào Tháo coi là mầm mống đe dọa cho cơ đồ nhà Nguỵ. Khi về già, ông được Nguỵ đế Tào Duệ trước lúc lâm chung ủy thác, gửi gắm trách nhiệm quan trọng, làm phụ chính đại thần cho hoàng đế mới.

Sự “nhẫn nhịn âm thầm” trong 50 năm của ông là để chứng minh rằng bản thân mình là một trung thần trong mắt các hoàng đế nhà Nguỵ. Cuối cùng tới khi hơn 70 tuổi, Tư Mã Ý đột ngột làm binh biến, nắm lấy toàn bộ quyền lực, tái diễn lại màn kịch soán ngôi của Tào Tháo đối với nhà Hán trước kia. Đọc toàn bộ “Tam Quốc diễn nghĩa” (La Quán Trung), chúng ta thật sự thấy khâm phục Tư Mã Ý.

Ở Tư Mã Ý tập trung tài năng xuất sắc kinh thiên động địa của Gia Cát Lượng, ý chí hùng bá thiên hạ của Tào Tháo, ý chí bất khuất không ngừng không nghỉ của Chu Du, hay dáng vẻ ôn hoà, nhu mì mà mạnh mẽ của Lỗ Túc… Ông là người thật sự có thể sử dụng “thuật nhẫn chịu” để giấu mình chờ thời, không để lộ tài năng, sơ hở cho đối thủ. Đây chính là một trong những nhân vật thành công nhất thời “Tam Quốc”.

tư mã ý trong phim tam quốc diễn nghĩa

 

(Ảnh Minh họa) Nguồn: Internet

2. Lưu Bị

Khi thế cục Tam quốc “chân vạc” chưa phân định rõ ràng, người không có thế lực, cũng không có gia cảnh nhất chính là Lưu Bị, chỉ dựa vào một chiếc mũ rách “là dòng dõi xa của hoàng tộc nhà Hán”. Cùng với Quan Vũ, Trương Phi, Gia Cát Lượng, Lưu Bị từng bước từng bước làm nghiêng ngả trời đất, chiếm lấy một phần ba thiên hạ, không thể không làm người khác kính phục.

Nguyên nhân lớn nhất giúp Lưu Bị có thể thành công là ở tính cách của ông, nằm ở “cơ mưu” của ông. Đặc điểm lớn nhất của Lưu Bị chính là sự chịu đựng âm thầm, là tâm đại nhẫn mà một người thường không nhẫn chịu được của ông.Khi chưa có thực lực giành giật Trung Nguyên, ông chỉ có thể che giấu với hình tượng là một người tốt, trọng dụng nhân tài, trọng tình nghĩa, quý trọng thuộc hạ, được lòng người. Lưu Bị từng sống nhờ sống gửi, chịu nhục chịu khổ đi nương tựa người những người như Lưu Yên, Lư Thực, Lã Bố, Tào Tháo, Viên Thiệu, Lưu Biểu…

Khi đi Giang Đông cầu hôn, mặc dù biết rõ đây là âm mưu là trò lừa gạt, trong tình cảnh gặp phải phục kích ở khắp nơi nhưng ông vẫn không thay đổi sắc mặt, vẫn độ lượng âm thầm nhẫn chịu. Cuối cùng, ông cũng có được người đẹp trong tay, lại giữ được an toàn tính mạng giữa hang hùm, miệng cọp.

Luu Bi Tam quoc dien nghia

(Ảnh Minh họa) Nguồn: Internet

Xem thêm

 

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status