Tìm hiểu về tục treo tranh Chữ của người Việt
Mỗi khi tết đến, không ít người tặng nhau các bức tranh chữ, hoặc đi mua về treo ở gia đình, công sở. Đó thường là các bức tranh 1 chữ thể hiện một đức tính cần có của con người như Tâm, Đức, Nhẫn, Hiếu… hoặc một ước mơ bình dị về cuộc sống như Phúc, Phú, Quý… Đầu xuân, xin có đôi lời mạn đàm về tranh chữ như một thú chơi tao nhã, một cách giáo dục đạo đức của người xưa.
Hình ảnh chơi tranh chữ trong văn hoá gia đình người Việt Nam
Khi xưa, đến thăm những ngôi nhà cổ, hoặc ở những công sở uy nghi, ta thường thấy những bức tranh chỉ có một chữ (nhất tự) treo trang trọng ở chính giữa bàn thờ gia tiên hoặc công sở. Đó là tục thờ tranh chữ, một phong tục đã có từ rất lâu đời ở Việt Nam.
Tranh chữ khác với hoành phi, câu đối cả về nội dung lẫn cách trang trí. Hoành phi thường gồm 3 chữ, 4 chữ, 5 chữ “Đại tự” được treo ngang phía trước bàn thờ, gắn liền vào bộ xà ngang của gian giữa ngôi nhà, chiều dài bằng đúng chiều ngang của gian nhà cổ. Nội dung hoành phi có thể là lời phong tặng của những bậc vua chúa đối với những gia đình có công với nước, hoặc truyền thống đạo đức tốt đẹp. Chẳng hạn như “Đức thụ thâm căn” hàm ý ca ngợi truyền thống gia đình có đạo đức. Truyền thống đạo đức của gia đình đã như một cây (đức thụ) sâu rễ bền gốc (thâm căn) cần phải gìn giữ và phát huy để được lưu truyền mãi mãi. Hoặc “Dục báo thâm ân” nhằm giáo dục con cháu cần báo đáp ân sâu công dưỡng dục của cha mẹ đối với mình…
Cuốn thư: Đức – Lưu – Quang
Câu đối gồm 2 vế chữ Nôm hoặc chữ Hán đối nhau cả về ý và lời. Câu đối có thể gồm 5 chữ, 7 chữ, 9 chữ hoặc hơn nữa, được treo dọc theo từng cặp ở 2 bên đối xứng nhau. Nếu ở những ngôi nhà cổ có đủ các hàng cột thì câu đối được treo áp cột. Nội dung thường nêu cao truyền thống của gia đình hàm ý giáo duc cho con cháu noi theo. Chẳng hạn như một cặp câu đối thường thấy ở rất nhiều gia đình gồm 2 vế:
Tổ công tông đức thiên niên thịnh
Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh.
(Tiên tổ đã dày công tu nhân tích đức để ngàn năm thịnh vượng. Con cháu giữ đạo hiếu, tu dưỡng thảo hiền thì vạn đời vinh hiển)
Nhìn chung, ý nghĩa của hoành phi, câu đối được diễn tả khá rõ ràng.
Khác với hoành phi, câu đối, tranh chữ chỉ có 1 chữ nên nội dung cô đọng, súc tích hơn.
Ở các gia đình thường thờ chữ phúc 福 . Nếu chiết tự chữ Phúc có thể thấy là toàn bộ ước mơ về một cuộc sống đủ đầy: Bên trái là bộ thị – ở đây có nghĩa là kêu cầu, mong muốn thể hiện ước mơ của con người). Bên phải gồm 3 bộ chữ: Bộ miên 宀 chỉ một mái nhà – (phải có nhà để ở, an cư rồi mới lạc nghiệp). Dưới là bộ khẩu nghĩa là miệng – (trong nhà phải có người, cả gia đình sum họp vui vẻ, tiếng nói cười rộn rã, không khí gia đình phải vui tươi đầm ấm). Dưới cùng là bộ điền 田 – (có nhà rồi phải có ruộng để cày cấy sinh sống. có ruộng, có đất đai là có tất cả. Như vậy chữ phúc 福 là một ước mơ bình dị về một cuộc sống yên bình, mong sao cho gia đình có người, có nhà, nề nếp hiếu thuận, ấm êm; có ruộng để làm ăn sinh sống. Đó là ước mơ ngàn đời của những con người lao động, không mơ sự giàu sang, phú quý, mà chỉ ước mơ một cuộc sống giản dị tốt đẹp, bền lâu mãi mãi. Cuộc sống như thế chính là phúc – chỉ một chữ mà gợi lên cảnh sống yên bình, lương thiện, hiền hòa.
=> Tìm hiểu thêm về Chữ Phúc – Ý nghĩa của chữ Phúc trong cuộc sống hàng ngày
Một số nơi lại thờ chữ Nhẫn 忍 . Đã có cả một bài thơ chữ Hán nói về ý nghĩa chữ Nhẫn trong cuộc sống. Tạm dịch như sau:
“Trong một trăm nết tốt
Chữ nhẫn đứng hàng đầu…
Người mà chưa biết nhẫn
Chưa phải là người hay”
Xét theo lối chiết tự, chữ Nhẫn gồm 2 bộ: Trên là bộ nhận 刃 – ở đây có nghĩa là mũi nhọn. Dưới là bộ tâm 心 – trái tim. Ngay từ hình thức viết, chữ Nhẫn đã khiến cho người ta liên tưởng đến sự chịu đựng phi thường: Để mũi nhọn đâm vào trái tim vẫn cắn răng mà chịu, không than vãn. Những nơi thờ chữ Nhẫn muốn giáo dục con người phải biết dũng cảm chịu đựng những khó khăn vất vả trong cuộc sống, kiên trì nhẫn nại để vươn tới thành công.
=>Tìm hiểu thêm về Chữ Nhẫn – Ý nghĩa của chữ nhẫn trong cuộc sống hàng ngày
Cũng có những gia đình hoặc ở công sở lại treo chữ Đức 德 hoặc chữ Tâm 心 . Tâm là trái tim, là tấm lòng. Chữ tâm như một con thuyền chở nặng hoài niệm, suy tư của cuộc đời. Người thờ chữ Tâm với mong muốn trong khi giải quyết các công việc, luôn luôn có một tấm lòng, xét việc “thấu tình đạt lý”. Nhà thơ Nguyễn Du đã viết:
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Khi có tấm lòng nghĩ đến người khác, người có quyền sẽ thấu hiểu nỗi khổ của kẻ dưới, không gây oan trái cho người dân lương thiện. Một quan chức có tâm sẽ coi trọng công lý, coi trọng tình người, gương mẫu trong lời nói và việc làm, giải quyết mọi việc êm thuận, được mọi người tin yêu.
Chữ đức 德 xét theo lối chiết tự bao gồm ý nghĩa rất sâu sắc. Đó là chữ mà những học trò đã từng theo “cửa Khổng sân Trình” phải thuộc lòng cách viết từ khi tóc còn để chỏm trái đào:
Chim chích mà đậu cành tre
Thập trên, tứ dưới, nhất đè chữ tâm
Ở bên trái là bộ hành 彳tức là làm. Bên phải ở trên là bộ thập ( + ) cần phải tu dưỡng đủ 10 nết tốt, phải có cái nhìn rộng rãi “chín phương trời, mười phương đất”. Tiếp theo là bộ tứ – cần bao dung, rộng rãi, không chấp nhất đối với kẻ thuộc quyền – “Tứ hải giai huynh đệ” (Bốn biển đều là anh em một nhà); chữ nhất (–) biểu thị lòng ngay thẳng, trung thực, không vụ lợi, không thay đổi thái độ, hành động trước mọi sự cám dỗ. Dưới cùng là bộ tâm 心 – một trái tim, một tấm lòng vị tha, yêu thương con người. Có thể hiểu là chữ Đức diễn tả bản chất của một vị quan tốt. Khi làm việc công, đối với kẻ dưới quyền luôn bao dung rộng rãi, giải quyết công việc ngay thẳng nhưng có tình có lý, coi kẻ dưới như những người thân của mình, biết xót xa, đồng cảm cho những khổ đau mà họ phải gánh chịu. Chắc chắn vị quan đó sẽ hoàn thành tốt chức trách, được mọi người nể phục.
Mỗi chữ Hán được viết theo hình thức khác nhau. Do được viết theo lối tượng hình, nên khi chiết tự có nhiều ý nghĩa rất sâu sắc. Vì vậy, tuy chỉ là một chữ nhưng chứa đựng những bài học lớn lao, sâu sắc trong đạo lý làm người.
Xét về mặt hình thức, tranh một chữ thường được viết trên tấm gỗ hình vuông. Tùy theo không gian của ngôi nhà, ban thờ mà đặt khổ tranh to, nhỏ cho hài hòa cân đối. Hình ảnh 1 bức Đại tự ở chính giữa ban thờ gia tiên hoặc công sở, nét chữ được đắp nổi sơn son thếp vàng lấp lánh cũng thể hiện một nghệ thuật trang trí đẹp, nói lên được ước mơ, phẩm chất của chủ nhân, gây được sự thiện cảm đối với người chiêm ngưỡng.
Thờ tranh chữ là phong tục đẹp, vốn có từ lâu đời, nhưng đã có một thời do cơm áo gạo tiền nên bị mai một lãng quên. Những năm gần đây, “phú quý sinh lễ nghĩa”, rất nhiều người tặng nhau các bức tranh chữ, hoặc đi mua về treo ở gia đình, công sở . Đầu xuân, có đôi lời mạn đàm để cùng hiểu rõ hơn về phong tục thờ tranh chữ như một nét văn hóa, một cách giáo dục đạo đức truyền thống. Thú chơi nghệ thuật tao nhã này nên được duy trì rộng rãi trong xã hội./.
Nhà giáo Nguyễn Bác Ái
Hiệu trưởng THCS Đường Lâm – Sơn Tây – Hà Nội
Nguồn: dantri.com.vn